Quá trình nộp hồ sơ du học đại học ở Mỹ từ A đến Z
- FAQ
Có rất nhiều thông tin về việc du học Mỹ, thế nhưng chính khối lượng thông tin khổng lồ và tản mát ấy có thể khiến bạn cảm thấy mông lung, hoang mang và không biết bắt đầu từ đâu.
Đó là lý do bài viết này ra đời – một bài viết tổng hợp TOÀN BỘ tất cả các công đoạn trong hành trình du học Mỹ, từ khi bạn còn mông lung chưa biết cách chọn trường thế nào, đến khi chuẩn bị hồ sơ, viết bài luận, và cạnh tranh giành học bổng.
Phần 1: Trước khi làm hồ sơ du học
Bạn muốn học university hay college?
Một câu hỏi cơ bản với tất cả những người muốn du học ở Mỹ, đó là phân biệt university và college. Có phải university là đại học còn college chỉ là cao đẳng? Và như thế thì university sẽ hơn college, như chúng ta vẫn hiểu trong nền giáo dục Việt Nam? Sự thật là nền giáo dục Mỹ có những khái niệm phức tạp hơn thế: College” và “university” thường có thể sử dụng để thay thế cho nhau vì mang nghĩa giống nhau là “đại học” nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Sự khác biệt chính giữa “university” và “college” là loại chương trình đào tạo và bằng cấp mà trường cung cấp.
Đây là một bài viết cung cấp cho bạn cái nhìn đầy đủ và cặn kẽ nhất về hai khái niệm này ở Mỹ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng soạn một bài viết về các trường được xếp vào “liberal art college” (trường đại học khai phóng) – vốn ngày càng được sinh viên Việt quan tâm.
Bạn muốn học trường công lập hay tư thục?
Trường công lập ở Mỹ là những trường được xây dựng và hỗ trợ tài chính đến từ ba nguồn ngân sách chính: liên bang, tiểu bang, và chính phủ Mỹ. Đối với bậc Đại học, mỗi tiểu bang sẽ có ít nhất một trường đại học hoặc cao đẳng công lập, ví dụ như hệ thống trường California State University, Colorado State University, và Texas State University.
Trong khi đó, trường tư thục ở Mỹ hoàn toàn không phụ thuộc về tài chính và không chịu sự quản lý từ chính phủ bang hay liên bang. Nguồn tài chính của trường phần lớn đến từ học phí của học sinh. Ở bậc đại học, trường đại học tư thục tại Mỹ có chất lượng giáo dục tương đương hoặc thậm chí vượt trội các hệ thống trường đại học công lập của bang.
Chúng tôi chuẩn bị hai bài viết công phu về trường công lập và trường tư thục ở Mỹ để bạn có cái nhìn toàn cảnh và xác định những lợi ích và hạn chế khi chọn trường nộp hồ sơ.
Những tiêu chí giúp bạn chọn trường hiệu quả
Nước Mỹ có tới hơn 5000 trường đại học. Làm thế nào để chọn ra một vài trường phù hợp nhất để nộp hồ sơ là chuyện không dễ dàng. Ngoài thứ hạng (ranking) là yếu tố thường được chú ý hơn cả, chúng tôi khuyên bạn nên nghiên cứu cả những yếu tố quan trọng không kém như vị trí địa lý, loại hình trường & quy mô, yêu cầu xét tuyển, chính sách hỗ trợ tài chính, dịch vụ việc làm…
Trong bài viết này, chúng tôi hướng dẫn bạn cách lên kế hoạch chọn trường hiệu quả nhất để có thể du học Mỹ suôn sẻ. Lập danh sách trường là một nghệ thuật. Vì thế, trong một bài viết khác, chúng tôi cũng giúp bạn cách lên chiến lược để một danh sách trường có cả trường an toàn, trường mục tiêu và trường mơ ước.
Các bí kíp để chuyến tham quan trường đại học Mỹ đạt mục tiêu
Theo Khảo sát do University of California—Los Angeles công bố năm 2019, 51,7% trong số hơn 97.000 sinh viên được thăm dò ý kiến chỉ ra rằng chuyến thăm trường là một yếu tố “không thể thiếu” trong việc chọn trường của họ. Trải nghiệm thăm trường đại học có thể sẽ cực kỳ hữu ích trong việc giúp ứng viên tìm thấy sự phù hợp thông qua việc chứng kiến cuộc sống của sinh viên và cơ sở vật chất trong khuôn viên trường. Chúng tôi chia sẻ 5 bí quyết để bạn có thể tận dụng tối đa trải nghiệm tham quan trường nhằm mục đích tìm ra những trường sẽ nộp hồ sơ.
Nghiên cứu về chi phí du học
“Học đại học ở Mỹ hết bao nhiêu tiền?” là câu hỏi quan trọng bậc nhất trong quá trình thực hiện giấc mơ du học. Bên cạnh học phí, còn có chi phí sinh hoạt như thuê nhà, ăn uống, di chuyển… Ở đây, chúng tôi bóc tách toàn bộ các chi phí mà bạn sẽ phải chuẩn bị cho việc du học để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Có bao nhiêu kỳ nộp đơn du học và bạn nên nộp lúc nào?
Kỳ nhập học chính của các trường Đại học và chương trình chuyển tiếp tại Mỹ là vào tháng 1 (Mùa Xuân) và tháng 9 (Mùa Thu) hàng năm. Ngoài ra, chỉ có một số trường là có thêm kỳ nhập học phụ vào tháng 5 (Mùa Hè). Bên cạnh của hồ sơ, thì lựa chọn thời điểm thích hợp để nộp hồ sơ cũng đóng vai trò quyết định bạn có thể đi du học hay không. Câu hỏi nên nộp hồ sơ vào thời điểm nào để tăng cơ hội được nhận được chúng tôi giải đáp tường tận trong bài viết này.
Phân biệt EA, ED, RD và Rolling Admission
Có 3 cách chính mà sinh viên có thể xem xét cho việc nộp đơn sớm của mình, đó là: hành động sớm (Early Action), quyết định sớm (Early Decision), nộp đơn thông thường (Regular Decision). Tuy nhiên, bên cạnh những hạn nộp đơn này thì có những trường Đại học sẽ không có thời hạn nộp đơn cụ thể mà sẽ tuyển sinh quanh năm, hay còn gọi là Rolling Admission – Quy trình nhận và xét hồ sơ diễn ra liên tục cho đến khi trường tuyển đủ chỉ tiêu của năm học.
Bạn nên nộp đơn theo phương cách nào để tăng cơ hội trúng tuyển? Đó là câu hỏi mà chúng tôi trả lời trong hai bài viết: một bài viết về Early Action, Early Decision và Regular Decision; và một bài viết về những lợi ích của Rolling Admission và cách để bạn tối ưu hoá những lợi ích này.
Phần 2: Tổng quan về hồ sơ du học
Hồ sơ du học bao gồm những giấy tờ gì?
Hồ sơ du học gồm hai loại chính: hồ sơ xin học và hồ sơ xin visa. Toàn bộ những giấy tờ cần thiết cho cả hai loại đều được chúng tôi liệt kê đầy đủ trong bài viết này, giúp bạn có một checklist để chắc chắn là mình không sót mất văn bản hay giấy tờ nào.
Làm hồ sơ du học mất bao lâu?
Trong phần hồ sơ xin học, bạn sẽ mất nhiều thời gian nhất cho bài luận cá nhân cũng như luyện ôn cho các bài thi chuẩn hoá như TOEFL/IELTS/SAT… Để chắc chắn đạt được mức điểm lý tưởng đạt yêu cầu ứng tuyển hay viết được một bài luận ấn tượng, bạn sẽ mất thời gian khoảng bao lâu? Trong bài viết này, chúng tôi giải đáp câu hỏi đó và giúp bạn ước lượng khoảng thời gian phù hợp để chuẩn bị tốt nhất.
Cách quy đổi thang điểm Việt Nam sang thang điểm Mỹ?
Hệ thống điểm của Việt Nam dựa trên thang điểm 1-10, tương đương với thang điểm 1.0 – 4.0 của Mỹ. Thông thường khi một trường của Mỹ yêu cầu điểm trung bình (GPA) được tính trên thang điểm 4.0, học sinh sẽ phải thực hiện việc chuyển đổi điểm. Ví dụ, điểm 10 tại Việt Nam tương đương với 4.0 tại Mỹ, tương tự điểm 7.5 tương đương với 3.0. Chuyển đổi điểm có vẻ khá rõ ràng, nhưng trên thực tế, nó không hoàn toàn chính xác. Vậy, ta có thể quy đổi điểm ra sao? Bài viết này giải đáp cặn kẽ câu hỏi đó.
Có nhất thiết phải học AP để vào được các đại học top đầu?
Chương trình Advanced Placement (AP) không phải là yếu tố quan trọng nhất nhưng là điều kiện cần nếu học sinh muốn cạnh tranh vào đại học hàng đầu của Mỹ. Theo số liệu của College Board, 85% các trường ở Mỹ ưu tiên nhận học sinh đã có điểm AP; 31% trường Đại học ở Mỹ cho biết sẽ ưu tiên cấp học bổng cho sinh viên đã từng học lớp AP ở phổ thông. Đây là một bài viết chi tiết về chương trình AP cùng những lợi ích đi kèm của chúng như giúp tiết kiệm học phí, tăng cơ hội nhận học bổng hay giúp bạn tốt nghiệp sớm hơn.
Các bài thi chuẩn hoá cần thiết cho hồ sơ du học
Các bài thi chuẩn hoá là phần không thể thiếu trong hồ sơ du học. Một số những bài thi chuẩn hoá quen thuộc bao gồm:
Chứng chỉ TOEFL
TOEFL – viết tắt của ‘Teѕt of Engliѕh aѕ a Foreign Language’ và được quản lý bởi Educational Testing Service (ETS), đây là bài kiểm tra phổ biến và tiêu chuẩn để đánh giá khả năng sử dụng Tiếng Anh cho người không sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Chúng tôi giới thiệu về trong bài viết này.
Chứng chỉ IELTS
IELTS viết tắt cho cụm từ ‘International English Language Testing System’, được điều hành bởi 3 tổ chức là ESOL của Đại học Cambridge (University of Cambridge ESOL), Hội đồng Anh (British Council) và tổ chức giáo dục IDP của Úc và được triển khai từ năm 1989. Đây là bài thi để đánh giá khả năng sử dụng Tiếng Anh cho những ai muốn học tập hoặc làm việc ở những quốc gia cần giao tiếp bằng Tiếng Anh. Thông tin cụ thể về IELTS có thể tìm tại bài viết này.
SAT
SAT là viết tắt của Scholastic Aptitude Test, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là kỳ thi kiểm tra năng lực học tập. Bài thi SAT được chuẩn hóa và đóng vai trò quan trọng trong quy trình tuyển sinh vào các trường Cao đẳng & Đại học tại Mỹ. Một số trường có thể không yêu cầu học sinh ứng tuyển phải có điểm thi SAT, nhưng học sinh có điểm SAT vẫn là một lợi thế so với các ứng viên khác. Thông tin tổng quan về SAT được chúng tôi tổng hợp tại đây.
ACT
American College Testing, hay ACT, là một bài thi chuẩn hoá dùng để xét tuyển đầu vào bậc đại học tại Mỹ. Bài thi ACT bao gồm các môn English (tiếng Anh), Mathematics (toán), Reading (đọc), Science Reasoning (khoa học luận), và Writing (viết).
Giống như SAT, bài thi ACT được sử dụng nhằm giúp các trường đại học đánh giá ứng viên. Bạn có thể lựa chọn thi một trong hai bài thi này để lấy điểm nộp vào các trường đại học tại Mỹ. Thông tin về ACT được chúng tôi tổng hợp tại đây.
Bài luận cá nhân là gì và làm thế nào để viết một bài luận cá nhân ấn tượng?
Một bài luận chỉ dài khoảng 650 từ, nhưng đây là 650 từ khả năng quyết định việc bạn có được nhận vào trường đại học hay không. Nhất là nếu như bạn muốn vào được những ngôi trường lớn, uy tín, nơi mà có hàng chục ngàn học sinh xuất sắc ứng tuyển vào mỗi năm và chỉ vài phần trăm rất nhỏ được nhận vào.
Bài luận cá nhân là cơ hội để học sinh được thể hiện tính cách, những trải nghiệm, và những niềm tin riêng của bản thân. Đây cũng là cơ hội để học sinh được trình bày thêm ngoài những con số trên bảng điểm. Các chuyên gia của chúng tôi đưa ra một số bí quyết để bạn viết được bài luận gây ấn tượng khó quên trong bài viết này. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phân tích cặn kẽ một bài luận mẫu từng được nhận vào đại học Harvard để giúp bạn học hỏi và áp dụng những kỹ thuật viết từ tác giả.
Chiến lược xin thư giới thiệu từ thầy cô giáo
Thư giới thiệu đối với hồ sơ nộp đơn vào đại học là một lá thư được viết bởi cố vấn học tập, giáo viên, huấn luyện viên hay một người quen biết, thậm chí rất thân thiết với ứng viên, có thể giới thiệu ứng viên về thành tích học tập hay tính cách cá nhân. Tuy là mục rất quan trọng trong hồ sơ du học, nhưng hầu hết học sinh không chuẩn bị cho thư giới thiệu của mình, vì vậy thư giới thiệu thường không chung chung, không phải là điểm mạnh, không thể hiện được hết ưu điểm như bộ hồ sơ học sinh đang hướng tới. Một số những thiết sót trong thư giới thiệu được chúng tôi giải thích trong bài này. Vậy, làm thế nào để có những bức thư giới thiệu tốt nhất? Cùng chúng tôi nghiên cứu chiến lược xin thư giới thiệu sau đây.
Cần xây dựng danh sách hoạt động ngoại khoá thế nào?
Các hoạt động ngoại khoá không chỉ giúp bạn có một bộ hồ sơ apply đại học đẹp mà còn có vai trò lớn hơn đến việc phát triển của cá nhân bạn. Một nhà tuyển sinh nhìn vào điều gì khi nhìn vào hồ sơ hoạt động ngoại khoá của bạn. Câu hỏi được chúng tôi giải đáp tại đây. Ngoài ra, chúng tôi cũng đưa ra một vài lời khuyên về những điều nên và không nên khi xây dựng hoạt động ngoại khoá của mình trong bài viết sau.
Sự khác biệt giữa học bổng và hỗ trợ tài chính?
Hỗ trợ tài chính (Financial Aid) và Học bổng du học (Merit_based Scholarship) là hai khái niệm cần được nắm bắt kỹ khi chuẩn bị du học Mỹ. Nếu như học bổng là hình thức hỗ trợ tài chính học sinh được nhận căn cứ trên thành tích học tập của mình, thì hỗ trợ tài chính là hình thức hỗ trợ được cấp dựa vào khả năng tài chính của gia đình học sinh trong suốt thời gian học sinh học tại trường. Trong bộ hồ sơ xin hỗ trợ tài chính, ngoài các giấy tờ chứng minh năng lực học tập của học sinh còn phải có các giấy tờ chứng minh thu nhập của bố mẹ, chứng minh tài khoản tiết kiệm ngân hàng và điền các mẫu riêng tùy thuộc yêu cầu của từng trường.
Bạn phải làm gì để giành được học bổng?
Bạn đã từng nghe nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những cá nhân xuất sắc đạt học bổng cao của các ngôi trường lớn tại Mỹ. Tuy giành học bổng không phải việc đơn giản, nhưng nếu có một chiến lược cụ thể thì việc nhận được những suất học bổng giá trị không nằm ngoài tầm với của bạn.
Ba bước chuẩn bị để giành học bổng Mỹ được chúng tôi trình bày kỹ càng trong bài viết sau đây.
Hồ sơ xong xuôi, nộp đơn trên Common App như thế nào?
Hiện nay, việc nộp hồ sơ ứng tuyển du học Mỹ đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Bạn chỉ cần nhập thông tin về địa chỉ, GPA, và các hoạt động ngoại khóa một lần cho tất cả trường đại học mong muốn thông qua ứng dụng Common App. Hiện tại có hơn 1,000 trường đại học công lập và tư thục cho phép học sinh nộp đơn trên Common App. Nền tảng này cũng cho phép các trường đăng tải các yêu cầu xét tuyển của từng trường như các đề bài tiểu luận, các cơ hội học bổng để học sinh đăng ký.
Cách nộp đơn trên Common App được chúng tôi trình bày cặn kẽ trong bài viết này.
Chúc bạn may mắn và hiện thực hoá được giấc mơ du học Mỹ của mình!