Chiến lược xin thư giới thiệu hoàn hảo - Du Học Thành Công
Tìm Trường
Loại trường
Bậc học
Quốc gia
Tiểu bang
Tỉnh
Tiểu bang (Úc)
Loại địa điểm
Giới tính
Các môn
28/05/2022

Chiến lược xin thư giới thiệu hoàn hảo

Thư giới thiệu có thể tạo ra sự khác biệt giữa chấp nhận và từ chối

Thư giới thiệu là một phần quan trọng trong các ứng dụng nộp đơn xin nhập học vào các trường nội trú và đại học nhưng lại ít được học sinh chú trọng. Bài viết này sẽ giải thích chi tiết tại sao các trường lại coi trọng thư giới thiệu trong yêu cầu nhập học, ai là người viết thư giới thiệu, chiến lược để có thư giới thiệu tốt. 

Thư giới thiệu là gì?

Thư giới thiệu là một lá thư được viết bởi một người quen biết, thậm chí rất thân thiết với ứng viên, có thể giới thiệu ứng viên về thành tích học tập hay tính cách cá nhân. Thư giới thiệu được gửi đến người quản lý tuyển dụng hoặc cán bộ tuyển sinh, những người quyết định có chấp nhận ứng viên đó hay không. Thư giới thiệu là một yêu cầu gần như bắt buộc đối với các trường nội trú đại học tại Mỹ, thậm chí cả ở bậc thạc sĩ hoặc tiến sĩ, chỉ có một số ít trường đại học Mỹ không bắt buộc mà thôi. 

Ai là người viết thư giới thiệu?

Các trường nội trú yêu cầu mỗi học sinh nộp đơn có 3 thư giới thiệu đến từ cố vấn học tập, giáo viên tiếng Anh và giáo viên Toán. Thư giới thiệu bao gồm các nội dung về chương trình học tập, đánh giá của các giáo viên về khả năng học tập của học sinh cũng như các phẩm chất cá nhân khác. 

Ở cấp bậc đại học hoặc cao hơn, đa số các trường yêu cầu bắt buộc thư giới thiệu từ các cố vấn đại học và thêm 1 hoặc 2 giáo viên đã dạy học sinh trong trường trung học. Một số người khác có thể viết thêm thư giới thiệu cho học sinh nhằm làm tăng thêm sức mạnh của hồ sơ xin nhập học như huấn luyện viên thể thao, giáo viên nghệ thuật, tu sĩ, nhà tuyển dụng, thành viên trong gia đình, bạn cùng trang lứa, cố vấn đại học ngoài trường học, những người khác…

Tại sao các trường lại yêu cầu thư giới thiệu?

Thư giới thiệu là một tài liệu quan trọng để giúp các nhà tuyển sinh của trường có một cách thức định tính để đánh giá học sinh từ quan điểm của một nhà giáo dục, người hiểu rõ về học sinh đó. Thư giới thiệu cũng đem đến một góc nhìn khác về ứng viên để tham khảo trong tổng thể một bộ hồ sơ bao gồm thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu, bài luận, phỏng vấn.

Người viết thư giới thiệu có thể viết gì? 

Thư giới thiệu thường có hai dạng: thư theo mẫu có các câu hỏi cụ thể và thư được viết tự do theo cách người viết muốn như viết tay hoặc đánh máy. 

Đối với những trường có mẫu cụ thể dành cho từng giáo viên họ yêu cầu, các giáo viên có thể dễ dàng trả lời theo các câu hỏi cho sẵn về thông tin cá nhân, mối quan hệ với học sinh, những đánh giá về học sinh theo từng mục rõ ràng. Giáo viên có thể đánh giá tốt hoặc chưa tốt về học sinh của mình đúng theo những gì học sinh thể hiện trong và ngoài lớp học hay theo cảm nhận của mỗi giáo viên. 

Một số trường có thể để giáo viên hoặc một người viết thư giới thiệu khác thoải mái viết về học sinh theo cách mà họ thích mà không cần một khuôn mẫu nào. Giáo viên có thể viết tay rồi scan hoặc gửi bản word/pdf đến trường yêu cầu. Đối với mẫu thư giới thiệu này, giáo viên hoặc một người viết thư giới thiệu bất kỳ nên chọn một định dạng chuyên nghiệp có đầy đủ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ, vị trí hoặc mối quan hệ đối với ứng viên, nội dung viết về ứng viên và chữ ký.  

Bắt đầu thư giới thiệu bằng cách giải thích vị trí công tác và mối quan hệ của người viết thư giới thiệu đối với ứng viên, nếu đây là một mối quan hệ đã lâu dài, điều quan trọng là phải làm nổi bật được nó để tăng thêm độ tin cậy cho việc giáo viên này đã chứng kiến sự trưởng thành và phát triển của ứng viên như thế nào. Cung cấp các thông tin rõ ràng và chi tiết về kỹ năng của ứng viên, khả năng học tập, thành tích mà ứng viên đạt được, những đóng góp của ứng viên cho cộng đồng. 

Tại sao thư giới thiệu lại quan trọng?

Như đã nói ở trên, thư giới thiệu là một yêu cầu bắt buộc trong hồ sơ tuyển sinh, cũng như cung cấp một đánh giá định tính để các nhà tuyển sinh có thể tham khảo thêm trước khi quyết định chấp nhận một ứng viên hoặc từ chối. Vì vậy, chắc chắn các nhà tuyển sinh sẽ đọc thư giới thiệu được gửi đến theo yêu cầu. Học sinh thậm chí phải xác nhận từ bỏ quyền được xem trước thư giới thiệu của giáo viên khi nộp hồ sơ. 

Hầu hết các thư giới thiệu đều giống nhau

Đa số các thư giới thiệu đều tương đối giống nhau do giáo viên phải viết hàng chục hay hàng trăm thư giới thiệu mỗi năm, họ không có nhiều thời gian để viết mới cho từng học sinh. Họ có thể sử dụng lại các thư giới thiệu đã từng viết, điều chỉnh tên học sinh và có thể thay đổi một chút nội dung cho phù hợp. Hầu hết các thư giới thiệu nếu không được yêu cầu viết đặc biệt thì đều nhạt nhẽo, nhàm chán và không có điểm nhấn. 

Thư giới thiệu độc đáo sẽ làm bạn nổi bật

Vì đa phần các thư giới thiệu đều giống nhau thì việc có một thư giới thiệu độc đáo sẽ giúp học sinh nổi bật hơn, rất nhiều. Nếu hai bộ hồ sơ xin nhập học của hai ứng viên tương đối giống nhau nhưng chỉ có 1 chỗ duy nhất thì thư giới thiệu của ứng viên nào tốt hơn, ứng viên đó sẽ thắng. 

Thư giới thiệu là một cách để đánh giá học sinh bên cạnh điểm số

Thư giới thiệu từ cố vấn nhà trường và các giáo viên không chỉ cung cấp những đánh giá về khả năng học tập của học sinh, chương trình mà học sinh theo học, thái độ của học sinh với giáo viên và mọi người xung quanh mà bức thư này còn có thể cung cấp thêm về kỹ năng quản lý, lãnh đạo của ứng viên trong và ngoài trường học bằng những nội dung đáng tin cậy được giáo viên đưa ra để chứng minh cho đánh giá của mình. Như vậy, ngoài những điểm số được cung cấp từ học bạ, điểm bài thi chuẩn hóa, thư giới thiệu là đánh giá của một người có chuyên môn giáo dục và quen biết với học sinh sẽ đem lại thêm những góc nhìn khác cho các nhà tuyển sinh khi xem xét hồ sơ của từng ứng viên. 

Một bộ hồ sơ có thể mất đi sự hoàn hảo của mình khi đơn xin nhập học, bài luận, điểm số đều tốt nhưng học sinh lại không được giáo viên của mình đánh giá tốt. Ngược lại, một bộ hồ sơ được giáo viên đánh giá cao về phẩm chất của học sinh có thể giành thêm nhiều điểm cộng. 

Thư giới thiệu cũng có thể phá hỏng hồ sơ của bạn

Nếu như học sinh không có quyền đọc thư giới thiệu của giáo viên mà họ yêu cầu trước khi gửi đi thì giáo viên được toàn quyền viết và gửi trực tiếp đến các trường mà học sinh nộp đơn. Đây cũng là phần duy nhất trong bộ hồ sơ mà học sinh khó có thể kiểm soát. Lý do này cũng làm tăng phần tin cậy và giúp các nhà tuyển sinh tin rằng thư giới thiệu đem lại cái nhìn khách quan khác để đánh giá về mỗi ứng viên của họ. 

Điều này có nghĩa là không phải giáo viên nào cũng sẽ viết tốt cho học sinh nếu học sinh đó có nhiều khuyết điểm. Một thư giới thiệu không tốt có thể phá hỏng cả bộ hồ sơ tuyệt vời về điểm số, bài luận hay và đa dạng hoạt động ngoại khóa mà học sinh mất nhiều công sức xây dựng. Nếu điểm số của học sinh ở trường khá cao nhưng giáo viên đánh giá bạn không thông minh, không tích cực phát biểu xây dựng bài trong giờ học vậy thì điểm số đó có thực sự đáng tin hay không? Nếu bài luận cá nhân của học sinh chỉ ra rằng học sinh là một người năng động, thích tìm hiểu, khám phá nhưng thư giới thiệu của giáo viên lại viết rằng học sinh này khá trầm trong lớp học, thì nhà tuyển sinh có thể nhận ra điều gì? Thực tế cũng đã cho thấy, một số học sinh Việt Nam bị từ chối tại các trường nội trú Mỹ bởi giáo viên đã chỉ ra những vi phạm của học sinh trong lớp học, trường học hoặc học sinh cố gắng đạt nhiều thành tích bởi vì áp lực từ phía phụ huynh chứ không phải vì đam mê của mình. Đôi khi, học sinh không có lỗi gì cả nhưng trường hiện tại muốn níu giữ họ và cung cấp một thư giới thiệu không tốt để học sinh không thể chuyển đến trường tốt hơn. Đây là điều mà học sinh hay phụ huynh cũng khó lòng biết được. 

Hầu hết học sinh không để ý đến thư giới thiệu của mình

Học sinh khi tìm hiểu về nộp đơn vào các trường nội trú hay đại học đều sẽ thấy yêu cầu thư giới thiệu của giáo viên và họ nghĩ nhờ giáo viên một câu là xong. Giáo viên sẽ viết và gửi giúp. Điều này đúng nhưng chưa đủ, thư giới thiệu đó có thể là một bản mẫu hàng loạt không có gì nổi bật hoặc giáo viên Việt Nam thậm chí không biết nên viết như thế nào. Một bức thư giới thiệu chung chung nhàm chán sẽ không giúp ích gì cho bộ hồ sơ của học sinh ngoài việc đủ các hạng mục yêu cầu. 

Để có thư giới thiệu tốt cần có một chiến lược dài hạn

Thư giới thiệu có khoảng 1 hoặc 2 trang A4, cần gì phải mất nhiều thời gian chuẩn bị? Để có một thư giới thiệu tốt đòi hỏi học sinh phải có chiến lược hẳn hoi, chiến lược dài hạn. Bởi vì để có thư giới thiệu tốt, bạn phải có mối quan hệ cá nhân chặt chẽ, tốt đẹp với những giáo viên sẽ viết thư giới thiệu cho mình. Chỉ khi giáo viên thực sự quan tâm đến bạn, hiểu rõ về bạn và sự trưởng thành của bạn mới có thể viết nên lá thư giới thiệu vừa rõ ràng chi tiết đáng tin cậy, vừa đánh giá đúng về con người bạn bằng cảm nhận cá nhân của họ. 

Làm thế nào để xây dựng một chiến lược xin thư giới thiệu tốt, bạn có thể tham khảo các bước dưới đây.

Bắt đầu bằng cách xác định người có thể viết thư giới thiệu cho bạn

Điều đầu tiên cần nghĩ đến khi xây dựng một chiến lược xin thư giới thiệu chính là nghĩ đến người bạn muốn họ viết. Xem yêu cầu nhập học về thư giới thiệu, tìm kiếm trong mối quan hệ của bản thân và gia đình, có một số người giỏi hơn người khác ở trong lĩnh vực bạn muốn học hay nếu bạn biết ai đó nổi tiếng, điều đó còn tốt hơn. Ví dụ, một thư giới thiệu từ Bill Gates sẽ tốt hơn từ một ai đó ngẫu nhiên. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều không quen biết với Bill Gates, vì vậy, hãy nghĩ về người nào tốt nhất có thể viết thư giới thiệu cho bạn. Giáo viên của bạn chắc chắn là một phương án không thể bỏ qua, bởi yêu cầu nhập học trung học, đại học hay các bậc cao hơn nữa đều yêu cầu thư giới thiệu của người đã giáo dục nên bạn, các thầy cô chính là người đã theo dõi và đồng hành cùng bạn cả một quãng đường học tập lâu dài, từ cấp 1, cấp 2 hay cấp 3 thậm chí liên cấp. 

Xây dựng quan hệ với giáo viên của bạn

Bất cứ ai viết thư giới thiệu cho bạn sẽ phải biết về cá nhân bạn và quan tâm đến tương lai của bạn, bởi có hiểu rõ về bạn, giáo viên mới có thể viết nên bức thư giới thiệu phù hợp với con người bạn cũng như ngôi trường bạn mong muốn được nhập học. Họ quan tâm đến tương lai của bạn thì mới có thể viết cho bạn một bức thư tốt. Và tất nhiên, để giáo viên biết đến bạn, quan tâm đến bạn thì bạn phải dành thời gian để xây dựng mối quan hệ đó. Một mối quan hệ tốt đẹp phải xuất phát từ cả hai phía. Điều này có nghĩa là bạn không những chỉ cần làm tốt ở trên lớp học, hãy dành thời gian nói chuyện với giáo viên sau giờ học, nhờ giúp đỡ hay chia sẻ về cuộc sống của bạn. 

Trao đổi với giáo viên về kế hoạch của bạn

Điều quan trọng là bạn phải giải thích với giáo viên về mục tiêu của mình trước thời hạn, thậm chí càng sớm càng tốt. Điều này liên quan đến việc bạn cần có một kế hoạch nộp đơn xin nhập học rõ ràng. Bạn muốn tất cả các phần trong bộ hồ sơ nhập học thống nhất với nhau (điểm số, bài luận, điểm kiểm tra chuẩn hóa, thư giới thiệu)? Để thư giới thiệu của bạn phù hợp và mang tính thống nhất với các phần còn lại trong hồ sơ, bạn cần trao đổi với giáo viên thật cụ thể về kế hoạch du học của mình để họ biết rằng bạn đang nộp đơn đến đâu, bạn sẽ học gì làm gì ở trường đó và tại sao bạn sẽ học giỏi ở đó… Những điều nói trên là chưa đủ với từng người khác nhau, hãy chia sẻ với giáo viên của bạn tất cả các ưu điểm, khuyết điểm cũng như mong muốn của bạn để giáo viên biết họ nên làm gì tốt nhất cho bạn. Lên kế hoạch càng sớm và càng rõ ràng, cụ thể càng tốt. 

Nhờ phụ huynh tham gia

Để tăng cường mối quan hệ tốt đẹp với giáo viên, bạn có thể nhờ đến phụ huynh của mình. Phụ huynh luôn biết cách làm việc với các giáo viên của con để hỗ trợ con tốt nhất. Bạn càng có nhiều mối liên hệ với giáo viên của mình thì bức thư sẽ càng hay.

Khi bạn nhờ giáo viên viết thư giới thiệu cho bạn, hãy giải thích điều cần thiết

Cuối cùng, trước khi gửi yêu cầu cho giáo viên để nhờ họ viết thư giới thiệu, bạn nên trao đổi với giáo viên của mình cách viết thư giới thiệu là như thế nào. Giáo viên Việt Nam thường không hiểu rõ về thư giới thiệu thế nào là tốt đối với các trường ở Mỹ, điều này cũng dễ hiểu thôi. Bạn cần đưa cho họ một số lưu ý, hãy trao đổi với giáo viên của mình bạn muốn thư giới thiệu tập trung vào điều gì. Nếu mối quan hệ của bạn và giáo viên tốt, giáo viên của bạn sẽ vui lòng khi làm điều tốt đẹp này cho bạn. Bạn nên viết cho giáo viên bằng email hoặc văn bản, cung cấp một số điểm chính mà giáo viên cần nhấn mạnh để phù hợp với bài luận cá nhân, hoạt động ngoại khóa hay các phần khác trong hồ sơ của bạn. 

Dù là một việc nhỏ vẫn cần chiến lược dài hạn

Thực hiện mọi thứ được liệt kê ở trên không thực sự tốn nhiều công sức, ngược lại, nó sẽ rất thú vị và giúp ích cho bạn trong việc học tập. Và, kết quả có thể gây bất ngờ lớn cho bạn khi nhận được kết quả tuyển sinh của mình. Vì vậy, mỗi một công việc để tạo nên một bộ hồ sơ hoàn hảo, dù nhỏ thôi, bạn vẫn cần tìm hiểu kỹ, lên chiến lược để hoàn thiện nó một cách tốt nhất. 

Có thêm câu hỏi?

Trò chuyện với cố vấn của chúng tôi