Danh sách các loại giấy tờ khi nộp đơn đại học Mỹ - Du Học Thành Công
Tìm Trường
Loại trường
Bậc học
Quốc gia
Tiểu bang
Tỉnh
Tiểu bang (Úc)
Loại địa điểm
Giới tính
Các môn
11/06/2022

Danh sách các loại giấy tờ khi nộp đơn đại học Mỹ

Hồ sơ nộp đơn vào đại học rất phức tạp. Hãy sử dụng danh sách các giấy tờ dưới đây để sắp xếp hồ sơ của bạn theo trật tự. 

Bạn đã có danh sách trường lý tưởng và sắp bắt đầu quá trình nộp đơn. Nhưng có quá nhiều giấy tờ và bạn chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Bài viết này Du Học Thành Công sẽ giới thiệu với các bạn về những phương thức nộp đơn Đại học, các giấy tờ cần nộp. Đối với bậc sau Đại học, các loại giấy tờ, hồ sơ và phương thức nộp đơn sẽ khác biệt và phức tạp hơn. 

Các phương thức nộp đơn Đại học

Có rất nhiều cách để bạn có thể nộp hồ sơ của mình cho các trường đại học. Khi công nghệ chưa phát triển, việc nộp hồ sơ được thực hiện qua đường thư tín, bưu điện, gửi đến các trường. Ngày nay, khi công nghệ thông tin đã rất phát triển, việc nộp đơn được thực hiện hoàn toàn trực tuyến. Bạn chỉ cần một chiếc máy tính kết nối Internet, bản scan các loại giấy tờ cần thiết, và cuối cùng là lựa chọn các ứng dụng nộp đơn phù hợp. 

The Common Application

Có thể nói Common Application hay gọi tắt là Common App là ứng dụng nộp đơn đại học lớn nhất với số lượng trường đạt gần 1,000. Khi nộp đơn vào đại học Mỹ, bạn không bị giới hạn số lượng trường, bạn có thể nộp đơn vào bao nhiêu trường đại học mà bạn muốn. Có thể tham khảo bài viết của DHTC “Tôi nên nộp đơn vào bao nhiêu trường đại học” để có chiến lược nộp đơn hiệu quả. 

Nếu bạn muốn nộp đơn vào nhiều trường, việc điền nhiều đơn đăng ký (application form) sẽ rất mất thời gian và gây nhàm chán vì lặp đi lặp lại những thông tin như họ tên, ngày tháng năm sinh, trường đã học, địa chỉ nhà … Với Common App, bạn chỉ cần tạo một hồ sơ duy nhất và có thể gửi đến tối đa 20 trường. Các thông tin của bạn trên Common App bao gồm: thông tin cá nhân cơ bản (họ tên, ngày sinh, email, điện thoại, địa chỉ…), thông tin về học tập (tên trường bạn đã học, các bài thi chuẩn hoá bạn đã thi và sẽ gửi kết quả đến cho các trường bạn muốn apply), thông tin các hoạt động ngoại khoá bạn đã tham gia. Ngoài ra, trên Common App bạn cũng có thể nộp các bài luận theo yêu cầu của từng trường.   

The Universal Application

Một ứng dụng nộp đơn tương tự như Common App nhưng với số lượng trường ít hơn. Mặc dù không nhiều trường như Common App nhưng những trường với tên tuổi lớn như Harvard University, Cornell University, Vanderbilt University, Johns Hopkins University… có nhận đơn qua Universal college application. 

Về cơ bản, Universal college application khá tương đồng với Common app. Tuy nhiên, ứng dụng nộp đơn này có nhiều điểm được xem là vượt trội hơn Common app như: chức năng lưu thông tin tự động (auto save), sửa bài luận sau khi đã ấn nút “submit”, dẫn link đến những sản phẩm hoặc nội dung dự án bạn đã thực hiện. Và sự hỗ trợ về kỹ thuật khi bạn gặp trục trặc trong quá trình nộp đơn cũng được thực hiện nhanh hơn.  

Ứng dụng nộp đơn riêng của trường

Hầu hết các trường đại học đều có ứng dụng nộp đơn riêng và vẫn chấp nhận học sinh nộp đơn qua Common App. Tuy nhiên, có những trường không làm việc với Common App và học sinh chỉ có thể nộp đơn trực tiếp thông qua ứng dụng nôp đơn riêng của trường.  

Ứng dụng nộp đơn của hệ thống trường 

Một số hệ thống đại học công lập của bang sử dụng ứng dụng nộp đơn riêng cho tất cả các trường trong hệ thống. Ví dụ bạn muốn nộp đơn vào trường University of California – Berkeley thì bạn sẽ nộp qua ứng dụng nộp đơn của University of California và lựa chọn cơ sở (campus) bạn muốn học là Berkeley. Trên ứng dụng này, bạn cũng có thể nộp hồ sơ của mình cho các campus khác của hệ thống University of California như UCLA, UC Irvine hay UC Riverside. Bạn chỉ cần điền đơn đăng ký (application form) một lần duy nhất trên ứng dụng nộp đơn và lựa chọn các campus bạn muốn apply.

Các hệ thống trường đại học công lập sử dụng ứng dụng nộp đơn riêng có thể kể đến là hệ thống các trường đại học công lập bang New York – State University of New York (SUNY), hệ thống đại học bang California – California State University (Cal State University) và University of California (UC). Lưu ý rằng Cal State University và UC đều bao gồm các trường đại học công lập bang California nhưng đây là hai hệ thống riêng biệt, không có bất kỳ mối quan hệ nào.   

Những giấy tờ cần thiết 

Các công việc liên quan đến hồ sơ, giấy tờ thường khá phức tạp. Bạn không biết nộp bao nhiêu loại giấy tờ là đủ, những giấy tờ nào có thể không cần nộp. Một bộ hồ sơ apply đại học cũng khá nhiều loại giấy tờ, mỗi trường lại có các yêu cầu khác nhau trong bộ hồ sơ. Nhưng về cơ bản, hồ sơ apply đại học gồm những loại giấy tờ được đề cập dưới đây. 

Hồ sơ học tập 

Có thể nói hồ sơ học tập là một phần rất quan trọng trong một bộ hồ sơ apply Đại học. Hồ sơ học tập bao gồm bảng điểm của học sinh qua các năm lớp 9, 10 và 11. Tuỳ vào thời điểm nộp đơn mà nhà trường có thể yêu cầu bạn nộp thêm bảng điểm học kỳ 1 lớp 12 hoặc bảng điểm cả năm lớp 12 nếu bạn đã hoàn thành chương trình trung học vào thời điểm bạn nộp đơn. 

Hồ sơ học tập giúp hội đồng tuyển sinh có thể đánh giá năng lực học tập của học sinh. Nhưng nó không đóng vai trò quyết định trong việc có nhận học sinh vào trường hay không. 

Xác minh bảng điểm 

Đối với những bạn nộp đơn đại học Mỹ bằng bảng điểm của trường trung học ở Việt Nam, một số trường đại học có thể yêu cầu bạn xác minh bảng điểm thông qua WES, một tổ chức kiểm định quốc tế. Thông thường học sinh sử dụng bảng điểm bằng tiếng Việt sẽ phải dịch bảng điểm sang tiếng Anh và công chứng để nộp cho trường ở Mỹ. Tuy nhiên, có một số trường đại học khá khắt khe và họ muốn bảng điểm được kiểm định bởi một tổ chức quốc tế uy tín. Trước khi nộp đơn, bạn cần kiểm tra xem trường có yêu cầu làm xác minh hay kiểm định bảng điểm hay không. Bạn cũng phải trả một khoản phí cho tổ chức làm xác minh và kiểm định bảng điểm. 

Resume

Resume hoặc CV chủ yếu được yêu cầu khi nộp đơn cho bậc học sau đại học (graduate). Tuy nhiên, một số trường đại học có thể yêu cầu nộp Resume hoặc CV đối với sinh viên apply chương trình Cử nhân (undergraduate). Bạn có thể ghi lại tỉ mỉ những dự án, hoạt động ngoại khoá mà bạn đã tham gia trong những năm trung học vào Resume hoặc CV của mình. 

Chứng chỉ tiếng Anh

IELTS hoặc TOEFL đều được các trường Đại học ở Mỹ chấp nhận. Đây là các bài thi đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh của người dự thi. Khi xét tuyển sinh viên quốc tế, các trường Đại học cần biết về khả năng sử dụng tiếng Anh của sinh viên có thể theo học được chương trình chuyên ngành hay không. Và các trường đánh giá điều này thông qua điểm thi IELTS hoặc TOEFL. Một số học sinh đã theo học chương trình trung học ở Mỹ 3 – 4 năm có thể được miễn nộp điểm thi tiếng Anh. Thông thường mức điểm tối thiểu để được nhận vào chương trình chuyên ngành bậc Đại học là 6.0 – 6.5 IELTS hoặc 79 TOEFL. Trước khi nộp đơn, bạn nên vào trang web của trường để tìm hiểu cụ thể về điểm tiếng Anh tối thiểu và bài thi tiếng Anh mà trường chấp nhận.   

Khoá tiếng Anh chuyên sâu

Một số trường Đại học có thể không yêu cầu bạn phải có chứng chỉ tiếng Anh. Vì trường có các khoá học tiếng Anh chuyên sâu hoăc có chương trình đào tạo liên kết với các trường dạy tiếng Anh để cung cấp các khoá đạo tạo tiếng Anh cho sinh viên quốc tế chưa có chứng chỉ tiếng Anh hoặc chưa đạt đủ điểm tiếng Anh theo học chương trình chuyên ngành. Bạn sẽ được cấp thư mời nhập học vào chuyên ngành bạn đăng ký nhưng có kèm thêm điều kiện phải hoàn thành chương trình tiếng Anh chuyên sâu trong một kỳ hoặc một năm học. Và bạn sẽ phải trả thêm học phí cho các khoá tiếng Anh này. 

Bài luận cá nhân & các bài luận phụ

Hầu hết các trường đều yêu cầu học sinh nộp một bài luận cá nhân (personal statement) có độ dài không quá 650 từ. Nội dung bài luận cá nhân khá đa dạng và thay đổi qua từng năm. Nhưng chủ yếu hội đồng tuyển sinh muốn tìm hiểu cá tính và quan điểm về cuộc sống của một học sinh thông qua bài luận cá nhân

Một số trường có ranking cao hơn và xét tuyển chặt chẽ hơn sẽ có yêu cầu bài luận phụ, có thể là một đoạn văn ngắn, trả lời cho câu hỏi mà nhà trường đưa ra nhằm đánh giá tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề, xem xét quan điểm, góc nhìn của học sinh về một vấn đề cụ thể để biết học sinh có phù hợp để theo học tại trường hay không.  

Thư giới thiệu 

Thư giới thiệu là một phần quan trọng trong bộ hồ sơ apply đại học. Đa số các trường sẽ yêu cầu bạn có 1-2 thư giới thiệu từ giáo viên đã dạy bạn. Thư giới thiệu bao gồm các nội dung về chương trình học tập, đánh giá của các giáo viên về khả năng học tập của học sinh cũng như các phẩm chất cá nhân khác. Tham khảo thêm bài viết của DHTC về Chiến lược xin thư giới thiệu hoàn hảo.  

Hộ chiếu

Bạn cần gửi cho trường một bản scan rõ nét trang thông tin trên hộ chiếu. Sau khi được nhà trường chấp nhận vào học, bạn cần có thư mời và form I-20 (một loại giấy tờ mà cục an ninh nội địa Mỹ dùng để quản lý sinh viên quốc tế học tại Mỹ) để xin visa. Form I-20 được xuất bởi nhà trường và trường cần các thông tin trên hộ chiếu của bạn để xuất form I-20 này.  

Hồ sơ chứng minh tài chính 

Phần cuối cùng trong bộ hồ sơ đại học đó là các giấy tờ chứng minh tài chính. Nhà trường muốn sinh viên quốc tế chứng minh có đủ khả năng tài chính để chi trả toàn bộ chi phí đi du học trong ít nhất 01 năm. Chi phí này bao gồm học phí, chi phí ăn ở, sách vở, bảo hiểm và chi tiêu cá nhân. Bạn cần một bản xác nhận tiền gửi từ ngân hàng (bank statement) với số tiền gửi tối thiểu bằng tổng chi phí du học 01 năm. Số tiền gửi trong ngân hàng có thể đứng tên của người đi học hoặc tên của bố hoặc mẹ hoặc người thân của người đi học. Một số trường có thể yêu cầu thêm form thông tin người bảo trợ tài chính.Trong trường hợp bố hoặc mẹ hoặc người thân là người chi trả cho việc đi du học thì bạn cần cung cấp cho trường thông tin của người chi trả.  

 

Có thêm câu hỏi?

Trò chuyện với cố vấn của chúng tôi