Sai lầm lớn nhất bạn có thể mắc phải khi phỏng vấn với trường - Du Học Thành Công
Tìm Trường
Loại trường
Bậc học
Quốc gia
Tiểu bang
Tỉnh
Tiểu bang (Úc)
Loại địa điểm
Giới tính
Các môn
28/05/2022

Sai lầm lớn nhất bạn có thể mắc phải khi phỏng vấn với trường

Thật dễ để tránh khỏi những sai lầm nhưng hầu hết học sinh lại không nhận thức được chúng

Khi nộp đơn vào các trường trung học nội trú và đại học, học sinh sẽ có một buổi phỏng vấn với đại diện tuyển sinh của trường. Buổi phỏng vấn có thể diễn ra trực tiếp hoặc online. Trong buổi phỏng vấn, học sinh sẽ được hỏi một số câu hỏi về cá nhân để nhà trường biết nhiều hơn về học sinh đang nộp đơn vào trường. Đây là một khâu rất quan trọng trong quy trình tuyển sinh, qua buổi phỏng vấn, nhà trường có thể xác định học sinh có phù hợp với môi trường học tập của trường hay không.     

Bạn có thể chuẩn bị câu trả lời cho mọi câu hỏi mà bạn có thể bị hỏi. Nhưng bạn có những câu hỏi của mình không? 

Khi nghe đến buổi phỏng vấn với đại diện tuyển sinh của trường, đa số học sinh đều nghĩ rằng đây là một buổi mà các bạn sẽ phải trả lời tất cả các câu hỏi từ trường. Chính vì vậy, các bạn sẽ dành rất nhiều thời gian để nghĩ về các câu hỏi mà đại diện trường có thể hỏi mình và chuẩn bị trước các câu trả lời. 

Tuy nhiên, thực tế là buổi phỏng vấn không nên chỉ diễn ra theo một chiều. Học sinh có thể và rất nên đặt ra những câu hỏi theo cách phù hợp cho đại diện tuyển sinh của trường. Việc đặt câu hỏi sẽ khiến đại diện trường thấy rằng bạn đang tham gia vào buổi phỏng vấn một cách tích cực và bạn thực sự quan tâm đến trường. Không chỉ vậy, việc đặt ra những câu hỏi cũng giúp bạn có thêm thông tin cụ thể hơn về trường, từ đó giúp bạn lựa chọn ngôi trường phù hợp nhất với bản thân khi bạn nộp đơn cho nhiều trường và phân vân không biết chọn trường nào.  

Vì sao việc đặt câu hỏi trong buổi phỏng vấn là điều quan trọng? 

Những câu hỏi là điều cốt lõi để tạo nên một buổi phỏng vấn tốt. Buổi phỏng vấn không nên được diễn ra theo một chiều, tức là chỉ có một bên đưa ra câu hỏi và học sinh chỉ thụ động trả lời các câu hỏi nhận được. Khi có sự trao đổi, tương tác qua lại giữa hai bên, buổi phỏng vấn sẽ diễn ra hiệu quả hơn đối với cả phía nhà trường và phía học sinh. 

Việc đặt câu hỏi thể hiện sự quan tâm của bạn với trường 

Những câu hỏi từ phía học sinh sẽ khiến cho đại diện tuyển sinh của trường cảm thấy học sinh đang thật sự tập trung vào cuộc hội thoại và muốn được học tập tại trường. Một học sinh có bảng điểm ấn tượng cùng hồ sơ ngoại khoá phong phú có vẻ như là học sinh được nhiều trường muốn có. Nhưng nếu học sinh đó tỏ ra không hào hứng, không quan tâm lắm đến ngôi trường mà mình đang nộp đơn và muốn vào học thì phía đại diện trường có thể cảm thấy trường của họ không phù hợp với học sinh này. Hãy thể hiện rằng bạn rất hào hứng, muốn biết thêm nhiều điều về ngôi trường mà bạn đang nộp đơn.  

Những câu hỏi thể hiện rằng bạn thực sự suy nghĩ về quyết định đi du học của mình 

Trong nhiều trường hợp, ý tưởng đi du học đến từ phụ huynh trong khi bản thân học sinh còn chưa hình dung được chặng đường đi du học là gì. Tuy nhiên, học sinh mới là người trực tiếp đi học nên các em cần biết rõ về ngôi trường mình sắp đến học, chương trình học như thế nào, sau giờ học thì các em sẽ làm gì … Việc chủ động đưa ra các câu hỏi cho đại diện tuyển sinh của trường trong buổi phỏng vấn thể hiện rằng các em đã chủ động suy nghĩ rất nghiêm túc về việc đi du học này. Nhà trường muốn nhận những học sinh có tính chủ động, hiểu rõ bản thân đang làm gì và có trách nhiệm với những việc mình làm. 

Những câu hỏi giúp bạn hiểu rõ về trường 

Mục đích của buổi phỏng vấn là để nhà trường hiểu rõ hơn về học sinh đang có nguyện vọng muốn học tại trường. Nhà trường muốn biết học sinh có phù hợp để học tại trường không. Tuy nhiên, học sinh cũng có thể đặt câu hỏi để biết nhiều hơn về trường. Thậm chí, các em có thể phát hiện ra điều gì đó của trường mà các em không thích (hoặc một điều rất thích). Việc hiểu rõ về trường giúp các em dễ dàng lựa chọn trường để nhập học trong trường hợp các em được nhiều trường chấp nhận. Giống như khi bạn lựa chọn mua một sản phẩm, bạn sẽ thường tìm hiểu thông tin, so sánh sản phẩm đó giữa các thương hiệu, hỏi nhân viên bán hàng để có thêm thông tin chi tiết. Ở đây, bạn đang bỏ tiền để mua sản phẩm giáo dục thì bạn cũng có thể đặt ra các câu hỏi để biết thêm chi tiết về sản phẩm mình đang mua.  

Việc đặt câu hỏi khiến buổi phỏng vấn được diễn ra theo hai chiều 

Một buổi phỏng vấn không cần thiết phải mang một bầu không khí nghiêm trọng như buổi hỏi cung tội phạm của cảnh sát. Nếu như chỉ có đại diện tuyển sinh của trường đặt câu hỏi và học sinh trả lời sẽ khiến buổi phỏng vấn giống như một cuộc tra hỏi của cảnh sát vậy. Trước buổi phỏng vấn bạn hãy chuẩn bị cho mình những câu hỏi bạn muốn hỏi đại diện trường bên cạnh những câu trả lời cho các câu hỏi bạn có thể nhận được. Hãy để buổi phỏng vấn diễn ra như một cuộc hội thoại, đại diện trường sẽ cảm thấy được tôn trọng và hào hứng với cuộc hội thoại với bạn. 

Những câu hỏi nào tôi có thể hỏi? 

Thật tốt nếu bạn ý thức được việc nên có các câu hỏi cho đại diện trường. Tuy nhiên, cũng cần suy nghĩ đến nội dung câu hỏi để bạn có thể nhận được những câu trả lời chứa nhiều thông tin hữu ích. 

Những thông tin bạn không thể tìm thấy trên website

Trước ngày phỏng vấn, bạn hãy nghiên cứu thật kỹ website của trường. Những câu hỏi nên liên quan đến những thông tin mà bạn không thể tìm thấy trên website. Những câu hỏi kiểu như: “Trường có những môn thể thao nào?” không nên được đặt ra vì đó là thông tin bạn hoàn toàn có thể tìm thấy trên website của trường. Nếu bạn đặt những câu hỏi kiểu như vậy, thậm chí đại diện trường có thể nghĩ rằng bạn chưa tìm hiểu kỹ về trường. 

Những câu hỏi cá nhân

Ngoài những câu hỏi về trường, bạn cũng có thể đặt một vài câu hỏi về người đang phỏng vấn bạn – đại diện tuyển sinh của trường. Những câu hỏi quá cá nhân thì nên tránh nhưng những câu hỏi kiểu như “Thầy/ cô đã làm việc ở trường bao lâu rồi?”, “Thầy/ cô thích nhất điều gì ở trường?” hoặc đơn giản là “Thầy/ cô đã đến Việt Nam chưa?”… bạn hoàn toàn có thể đặt những câu hỏi như vậy cho người phỏng vấn bạn. Những câu hỏi này sẽ giúp bầu không khí của buổi phỏng vấn nhẹ nhàng và thân thiện hơn. Đại diện trường cũng cảm thấy bạn là người cởi mở và hoà đồng. 

Môi trường sống 

Có thể bạn sẽ tìm thấy một vài hình ảnh về ký túc xá trên website của trường nhưng như thế là không đủ để bạn có thể hình dung ra cuộc sống nội trú là như thế nào. Những câu hỏi xoay quanh nơi ở, môi trường sống và đồ ăn sẽ giúp bạn có thông tin cụ thể nhất về môi trường sống ở trường. Biết đâu, bạn sẽ phát hiện ra trường có phục vụ món ăn bạn yêu thích nhất vào một ngày cố định trong tuần. 

Cuộc sống của học sinh trong trường

Những câu hỏi về học sinh trong trường cũng là những câu hỏi phổ biến. Vì bạn đang là học sinh chuẩn bị chuyển vào trường nên chắc chắn bạn cũng nên biết về những hoạt động của học sinh trong trường thường làm sau giờ học, những hoạt động được nhiều học sinh yêu thích, hoạt động truyền thống của trường hay những hoạt động nào được tổ chức vào các dịp lễ, tết quan trọng. Bạn cũng có thể hỏi về số lượng học sinh Việt Nam đang theo học tại trường vì khi mới sang trường, có một người bạn đồng hương, có cùng ngôn ngữ cũng giúp bạn không cảm thấy cô đơn và hoà nhập với cuộc sống ở môi trường mới dễ dàng hơn.  

Điều gì khiến trường khác biệt với các trường khác?

Một câu hỏi “chí mạng” đối với đại diện tuyển sinh của trường đó là “Trường của thầy/ cô có gì khác biệt so với những trường khác?” Câu hỏi này giống như khi bạn đi mua một mặt hàng mà có rất nhiều hãng sản xuất, bạn muốn biết sản phẩm của hãng này có gì nổi bật, khác biệt để khiến bạn sẽ chọn mua của hãng đó mà không phải lựa chọn hãng khác. Khi đặt ra câu hỏi này, chắc chắn đại diện trường sẽ thấy ấn tượng với bạn, và họ sẽ cảm thấy rằng bạn là một người có yêu cầu cao đối với việc học tập.

 

Có thêm câu hỏi?

Trò chuyện với cố vấn của chúng tôi