6 tiêu chí hội đồng tuyển sinh tại các trường đại học Mỹ dùng để đánh giá ứng viên - Du Học Thành Công
Tìm Trường
Loại trường
Bậc học
Quốc gia
Tiểu bang
Tỉnh
Tiểu bang (Úc)
Loại địa điểm
Giới tính
Các môn
21/07/2020

6 tiêu chí hội đồng tuyển sinh tại các trường đại học Mỹ dùng để đánh giá ứng viên

Du học Mỹ là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ, nhưng để có thể chính thức bước chân sang học tập tại xứ sở cờ hoa, bạn phải gây đủ ấn tượng với các nhà tuyển sinh.

Dưới đây là 6 tiêu chí đánh giá ứng viên mà hội đồng tuyển sinh các trường đại học Mỹ thường sử dụng để chọn ra những sinh viên tương lai xuất sắc.

Thái độ của bạn/phụ huynh bạn khi liên hệ với văn phòng tuyển sinh các trường tại Mỹ

Ấn tượng đầu tiên có sức ảnh hưởng lớn đến cách người khác đánh giá về bạn như thế nào. Tuyển sinh đại học là quá trình mệt mỏi và căng thẳng, nhưng điều đó không có nghĩa bạn hoặc cha mẹ bạn được quyền thô lỗ với người khác, nhất là với nhà trường.

Jose Roman – cựu trợ lý giám đốc tuyển sinh Đại học Yale cho hay: “Khi một đồng nghiệp của tôi đặt điện thoại xuống và đánh giá người anh ấy vừa nói chuyện thật thô lỗ, tôi sẽ hỏi ngay đó là ai, và nếu đó là một trong những ứng viên nộp hồ sơ vào trường năm nay, tôi nghĩ họ đã tự đưa mình vào thế bất lợi khi tạo ấn tượng đầu tiên không tốt.”

Hồ sơ súc tích, ấn tượng

Theo Erica Curtis, cựu nhân viên bộ phận tuyển sinh Đại học Brown cho hay, mỗi giờ bà thường phải đọc 5 hồ sơ ứng tuyển, tương đương 12 phút/bộ. Trong 12 phút đó, bà thường xem xét đơn đăng ký, điểm thi chuẩn hóa, học bạ trung học, bài luận và những bài tiểu luận bổ sung.

Với lượng thời gian ngắn ngủi như vậy, nên những bộ hồ sơ rườm rà, thiếu khoa học chắc chắn sẽ không gây được ấn tượng. Bạn không nên đưa bài luận vào phần thông tin bổ sung, đừng đính kèm sơ yếu lý lịch nếu nó đã tồn tại trong danh sách hoạt động ngoại khoá, cũng đừng gửi kèm đến 4 thư giới thiệu bổ sung cho trường, bởi các trường Đại học, nhất là các Đại học top đầu sẽ không có thời gian đọc hết những gì bạn gửi.

Bên cạnh đó, hãy tạo sự nổi bật cho hồ sơ, ví dụ như bài luận hay, hoạt động ngoại khoá nổi bật. Theo một cựu chuyên gia tuyển sinh tại Đại học Stanford: “Tại Stanford, chúng tôi thường sử dụng một từ viết tắt là ‘SP’ (Standard positive – giỏi tiêu chuẩn) để đánh dấu học sinh đó có hồ sơ ứng tuyển khá, nhưng chỉ dừng ở mức tiêu chuẩn.”

Các trường sẽ chọn ứng viên phù hợp, không phải xuất sắc

Trước khi ứng viên chính thức nhận được thư mời nhập học, hồ sơ của ứng viên có thể sẽ được chuyển từ “danh sách được nhận” đến “danh sách trì hoãn” hoặc “danh sách chờ” và ngược lại. Thực tế, cán bộ tuyển sinh nào cũng muốn ủng hộ ứng viên, nhưng người được quyền quyết định là trưởng phòng tuyển sinh, người luôn muốn lựa chọn những ứng viên đa dạng, phong phú và hội tụ đủ những gì cộng đồng sinh viên còn thiếu – theo Natalia Ostrowski, cựu trợ lý giám đốc tuyển sinh đại học Chicago.

Chính vì thế, ngay cả khi bạn xây dựng hình ảnh tốt, hồ sơ đẹp cho bản thân, bạn vẫn có thể không được nhận nếu nhà trường đã có quá nhiều ứng viên có màu sắc giống bạn.

Ví dụ: Trường Đại học A năm nào cũng có rất nhiều ứng viên tốt nghiệp từ trường cấp 3 chuyên Lê Hồng Phong nộp hồ sơ, do trường đã có quá nhiều sinh viên đến từ ngôi trường này, vậy nên năm nay, rất có thể nhà tuyển sinh sẽ chọn người tốt nghiệp từ các ngôi trường bình thường khác để tạo sự đa dạng cho cộng đồng sinh viên.

Cá tính mà ứng viên thể hiện trong hồ sơ của mình

“Tôi thường phân tích tính cách của ứng viên khi đọc hồ sơ của họ. Thông qua bài luận, tôi sẽ biết được ứng viên đó kiêu ngạo, ích kỷ hay hài hước, duyên dáng… Và tôi sẽ ghi tất cả những nhận xét đó vào phần ghi chú” – Angela Dunnham, cựu trợ lý giám đốc tuyển sinh Đại học Dartmouth cho biết. Chính vì điều này, hãy cố gắng tạo cho mình một bộ hồ sơ cá tính nhất có thể. Một bộ hồ sơ cơ bản, mờ nhạt chẳng nói lên điều gì chắc chắn không gây được ấn tượng với nhà tuyển sinh. 

Hãy tham gia phỏng vấn nếu có thể

Vincent James, cựu trợ lý giám đốc tuyển sinh tại MIT cho hay: “Nếu bạn được chỉ định tham gia phỏng vấn với một cựu sinh viên của trường, hãy chớp lấy cơ hội đó, vì khả năng bạn được nhận sẽ cao hơn nếu bạn biết tận dụng cuộc phỏng vấn.”

Luôn đặt câu hỏi

Hãy thể hiện sự quan tâm của mình với ngôi trường mà bạn đang nộp hồ sơ thông qua những câu hỏi. Ví dụ như hỏi về chương trình học, chương trình ngoại khoá, các nghiên cứu khoa học…

Nếu không có cơ hội tham gia phỏng vấn, hãy thể hiện sự quan tâm của mình thông qua bài luận với chủ đề như: “Tại sao bạn chọn ngôi trường này?” trong bộ hồ sơ. Điều này giúp hội đồng tuyển sinh xác định bạn có phải là ứng viên phù hợp với cộng đồng của họ hay không.

 

Có thêm câu hỏi?

Trò chuyện với cố vấn của chúng tôi