Giúp tôi với! Con trai tôi doạ gây thương tích cho bản thân chỉ vì trò chơi điện tử!
- Hello Cô Linh
Xin chào Cô Linh! Con trai tôi đã đến Mỹ từ một năm về trước, và mọi thứ cứ thế tệ dần từ thời điểm đó. Từ khi ở Việt Nam, con đã chơi điện từ rất nhiều, nhưng sau khi sang Mỹ, con gần như bị “nghiện”, không thể dứt ra được. Con chỉ ngồi trong phòng ký túc mỗi đêm rồi thức đến tận sáng. Chồng tôi rất tức giận vì điều đó, vì học phí của trường mỗi năm lên đến $45,000, và gia đình chúng tôi cùng không khá giả đến vậy.
Vì vậy, tôi đã liên hệ với nhà trường để thông báo tình hình của con với họ, và cho phép họ lấy đi điện thoại và các thiệt bị dùng để chơi game của con. Nhưng sau đó, con lại nói với bạn cùng phòng là con không muốn sống nữa, và giờ nhà trường nói họ sẽ phải cho con làm bài đánh giá sức khoẻ tâm lý do con có nguy cơ trở thành mối đe dọa đến bản thân và mọi người xung quanh. Tôi không thể tin được điều ấy. Con tôi là một đứa trẻ bình thường, nên tôi không thể hiểu được vì sao trường lại phản ứng thái quá như vậy!
Giờ đây chúng tôi không biết phải làm gì nữa. Điểm số của con đã be bét hết rồi, nên nếu con không bị đuổi thì cũng sẽ không qua được lớp. Chúng tôi chắc chắn không muốn con về Việt Nam, vì sẽ chỉ có sự xấu hổ cho bản thân con và gia đình ở đây mà thôi. Và làm sao mà con có thể quay lại trường học ở đây nữa chứ? Điều tôi lo lắng nhất chính là việc nghiện trò chơi điện tử của con sẽ lại tiếp diễn. Chúng tôi không bết phải làm gì, và dường như nhà trường cũng chẳng thể giúp đỡ chúng tôi được chút nào. Cô Linh ơi, hãy giúp chúng tôi với!
Chị thân mến,
Chào chị, cảm ơn chị đã chia sẻ câu chuyện của mình với Cô Linh. Tình trạng nghiện chơi điện tử hiện nay cũng gặp ở rất nhiều các bạn học sinh, đặc biệt là các bạn nam. Để cải thiện tình trạng này thì chị cần kiên nhẫn vì sự thay đổi sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều được. Đề xuất của nhà trường theo Cô Linh là hợp lý và gia đình mình có thể cho con làm một bài đánh giá tâm lý theo đề xuất của trường. Việc làm đánh giá tâm lý không phải do nhà trường nghi ngờ con có bệnh mà các chuyên gia và cố vấn của trường muốn tìm ra nguyên nhân cụ thể của vấn đề mà con đang gặp phải từ đó có phương pháp hiệu quả để giúp con vượt qua tình trạng này. Bên cạnh đó, việc chơi điện tử cũng không hoàn toàn là xấu, thậm chí ở các trường còn thành lập đội tuyển thi đấu E-Sport, một hình thức thi đấu chơi điện tử giữa các tuyển thủ chuyên nghiệp. Chính vì vậy, việc luyện tập các kỹ năng, thao tác khi chơi cũng là một hình thức rèn luyện nhưng diễn ra một cách điều độ và có lịch trình khoa học. Chính vì vậy, gia đình cũng không nên thể hiện sự phản đối việc chơi điện tử một cách gay gắt với con, gây ra tác dụng ngược.
Chị cũng có thể hướng con đến những bộ môn gần gũi với hoạt động chơi điện tử, liên quan đến tin học như lập trình, đồ hoạ, khiến cho con không chỉ thích chơi điện tử mà còn có hứng thú tìm hiểu cách mà trò chơi điện tử được tạo ra.
Hi vọng tình trạng của con sẽ có những cải thiện tốt trong thời gian sắp tới.
Trân trọng!
Cô Linh