Đừng xem nhẹ phần ý kiến của phụ huynh khi nộp hồ sơ vào các trường nội trú!
- Chuẩn bị & Nộp đơn
Phần ý kiến của phụ huynh (parent statement) thường bị xem là không quan trọng trong hồ sơ nộp vào các trường nội trú.
Khi tiến hành làm hồ sơ xin học vào các trường nội trú Mỹ, nhiều phụ huynh và học sinh thường nghĩ rằng những nội dung trong bộ hồ sơ chỉ tập trung vào học sinh, như điểm số, thành tích thi cử, hoạt động ngoại khóa … Nhưng thực tế là các trường nội trú, đặc biệt là những trường danh giá không chỉ đánh giá học sinh mà họ cũng muốn tìm hiểu thêm về gia đình của học sinh, nơi các em được nuôi dưỡng và lớn lên. Chính vì vậy, trong bộ hồ sơ xin học còn có thêm phần “parent statement”, đây là những câu hỏi dành cho phụ huynh và phụ huynh cũng có thể trình bày những nguyện vọng của mình khi gửi con vào trường học. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng phần này không quá quan trọng mà phần quan trọng nhất là bài luận cá nhân của học sinh nên thường viết các câu trả lời ngắn. Bài viết này sẽ giúp quý vị phụ huynh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của “parent statement” trong hồ sơ xin học cũng như làm thế nào để hoàn thành tốt phần này.
“Parent statement” là gì?
Đây là phần để phụ huynh giới thiệu với trường về con mình. Hơn ai hết, bố mẹ là người hiểu rõ về con của mình nhất. Chính vì vậy, các trường đưa phần “Parent Statement” vào bộ hồ sơ để có thêm thông tin về học sinh từ quan điểm, góc nhìn của phụ huynh.
Thông qua phần này, phụ huynh có thể cho nhà trường biết về những sở thích, sở trường của con và phương pháp học tập hiệu quả với con. Phụ huynh cũng có thể đề cập đến những điều con không thích hoặc sợ hãi, những điểm hạn chế của con để nhà trường hiểu và có định hướng giúp con cải thiện.
Một số câu hỏi các trường thường hỏi phụ huynh:
- Hãy cho chúng tôi biết về con của bạn và vì sao bạn nghĩ trường của chúng tôi phù hợp với con của bạn?
- Con của bạn có những sở trường và sở đoản gì?
- Bạn kỳ vọng con của bạn sẽ đạt được những điều gì khi học tại trường của chúng tôi?
Hãy trả lời những câu hỏi này một cách cụ thể và cô đọng nhất. Một câu trả lời lý tưởng cho những câu hỏi này nên có độ dài khoảng 200 từ.
Vì sao các trường nội trú yêu cầu “parent statement”?
“Parent Statement” giúp nhà trường có thêm thông tin về học sinh dưới góc nhìn của phụ huynh. Thông qua “parent statement”, nhà trường có thể biết được những thông tin bao gồm: lý do gia đình cho con đi du học, mức độ tham gia của phụ huynh trong việc giáo dục học sinh, nền tảng của gia đình, mục tiêu của gia đình đối với con, sự hiểu biết của phụ huynh về năng khiếu học tập của con… Mục tiêu ở đây là để có sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình, cung cấp cho học sinh môi trường phát triển tốt nhất. Ví dụ con của bạn gặp khó khăn với môn Toán, hãy chia sẻ điều đó để nhà trường có định hướng giúp con học Toán hiệu quả hơn.
Vì sao “parent statement” quan trọng?
Những trường nội trú, đặc biệt là những trường danh tiếng, không chỉ tìm kiếm học sinh giỏi mà còn muốn học sinh đến từ một gia đình có nền tảng tốt, những gia đình mà bố và mẹ rất quan tâm đến vấn đề giáo dục con cái. Nhà trường muốn tạo ra một cộng đồng học sinh và cộng đồng phụ huynh.
Thông qua “Parent statement”, phụ huynh có thể cho nhà trường thấy mức độ quan tâm đến việc giáo dục các con. Những thông tin quan trọng và chi tiết về học sinh từ phụ huynh sẽ giúp nhà trường cung cấp phương pháp giáo dục hiệu quả hơn.
Sau cùng, nhà trường sẽ có một buổi phỏng vấn học sinh trước khi đưa ra quyết định nhận học sinh vào trường. Từ buổi phỏng vấn, bảng điểm, bài luận cá nhân, nhà trường có thể biết được tính cách và năng lực học tập của học sinh. Và khi đọc các thông tin trong phần “parent statement”, nhà trường sẽ xem xét liệu phụ huynh có những nhận định giống như vậy hay không. Hay phụ huynh đang thổi phồng năng lực của con hoặc không biết gì về con mình.
Làm thế nào để viết tốt các nội dung trong “parent statement”?
Bạn đã biết sự quan trọng của “parent statement”. Vậy hãy tìm hiểu cách làm thế nào để có một phần “parent statement” tốt.
Hãy bắt đầu bằng việc đọc toàn bộ đơn đăng ký và bài luận dành cho học sinh
“Parent statement” nên được hoàn thành cuối cùng. Trước khi bắt đầu viết phần này, phụ huynh nên đọc lại tất cả các phần của bộ hồ sơ xin học, bao gồm cả bài luận cá nhân của con. Nếu phụ huynh không biết tiếng Anh, các con nên giải thích chi tiết nội dung bài luận bằng tiếng Việt để bố mẹ hiểu.
Như đã đề cập ở trên, nhà trường sẽ đọc phần “parent statement” sau khi đọc những phần khác của bộ hồ sơ và phỏng vấn học sinh. Chính vì vậy, “parent statement” cần có nội dung thống nhất với những phần khác của bộ hồ sơ. Cần tránh những việc như trong bài luận học sinh viết rằng không thích đọc sách nhưng bố mẹ vì muốn gây ấn tượng với trường nên viết rằng con là một đứa trẻ rất ham đọc sách.
Đọc các câu hỏi dành cho phụ huynh và suy nghĩ về chúng trong giấc ngủ
Phụ huynh không nên vội vã đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi trong “parent statement”. Hãy đọc qua một lần các câu hỏi và dành thời gian suy nghĩ về chúng. Phụ huynh thậm chí cần viết nháp các câu trả lời, hãy viết ra những điểm khái quát nhất và từ đó đi sâu dần vào chi tiết. Thực tế, đây là một cơ hội tốt để phụ huynh có thể ngồi lại và suy ngẫm thật kỹ về lý do mình muốn cho con đi du học, đánh giá khách quan nhất về khả năng tự lập của con khi sống một mình, những hạn chế của con mà phụ huynh muốn con có thể cải thiện trong môi trường mới. Hãy trao đổi thật cụ thể những điều đó với nhà trường.
Cuối cùng, hãy đảm bảo các câu trả lời có nội dung liên quan chặt chẽ đến toàn bộ hồ sơ xin học.
Với những phụ huynh không biết tiếng Anh, quý vị hãy vẫn cứ viết câu trả lời một cách chi tiết và đầy đủ bằng tiếng Việt và nhờ người dịch sang tiếng Anh. Và cho dù nội dung câu trả lời được viết bằng tiếng Việt hay tiếng Anh thì hãy đảm bảo rằng nó thống nhất với những nội dung khác của bộ hồ sơ xin nhập học.